My default image

Category Archives: Thị trường

Điểm Sáng Xuất Khẩu

Năm 2020, mặc dù chịu tác động sâu sắc từ đại dịch COVID-19, nhưng hoạt động chế biến, xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khi mang về giá trị xuất khẩu ước đạt khoảng 3,85 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2019. Tuy có biến động tại một số thị trường chính so với năm 2019 nhưng đó vẫn là kết quả hết sức khả quan, là điểm sáng về xuất khẩu của toàn ngành thủy sản năm qua.

Các thị trường trọng điểm

Theo thống kê của VASEP, xuất khẩu tôm tăng trưởng 2 con số từ tháng 6/2020 và tăng mạnh 25% trong tháng 9 và tháng 10; sang tháng 11 tiếp tục tăng 28%. Đến hết 11 tháng/2020, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 14% so cùng kỳ năm 2019. Do tình hình dịch COVID-19 vẫn căn thẳng trên thế giới nên xu hướng tiêu thụ tại các thị trường vẫn tập trung vào sản phẩm tôm thẻ chân trắng (TTCT) size cỡ nhỏ cho phân khúc bán lẻ. Vì vậy, xuất khẩu TTCT chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu tôm năm 2020, ước kim ngạch gần 3 tỷ USD; trong khi tôm sú chỉ đạt 616 triệu USD, chiếm 16% và tôm biển là 462 triệu USD, chiếm 12%. Các sản phẩm TTCT chế biến và tôm sú chế biến tăng lần lượt 14% và 24% trong khi các sản phẩm TTCT và tôm sú sống/tươi/đông lạnh đều giảm.

Năm 2020, có 4 thị trường xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam là EU, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Ghi nhận 11 tháng năm 2020, xuất khẩu tôm tăng trưởng ổn định tại thị trường Mỹ và các thị trường nhỏ hơn như Anh, Canada và Úc; xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, EU, Hàn Quốc mặc dù vẫn ghi nhận tăng trưởng dương nhưng cũng có những tháng sụt giảm. Năm qua, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam đã tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường, tận dụng cơ hội từ những thay đổi tạo ra trên giao thương thủy sản do đại dịch COVID-19, đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp với từng phân khúc khác nhau nên đã vượt qua đại dịch, đạt được những kết quả khả quan.

Mỹ

Dù là tâm dịch COVID-19 của thế giới nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ vẫn tăng trưởng dương trong tất cả các tháng của 11 tháng đầu năm 2020; mang về tổng kim ngạch đạt 803,5 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là thị trường nhập khẩu tôm ổn định nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020. Nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam tháng 11/2020 tăng mạnh so với tháng 11/2019 đạt 7.111 tấn, trị giá 74 triệu USD, tăng 72,3% về lượng và tăng 83,2% về trị giá. Tỷ trọng nhập khẩu tôm theo lượng từ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 6,1% trong tháng 11/2019 lên 10,5% trong tháng 11/2020.

Mỹ vốn là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23,5%; mặc dù năm qua, nhu cầu giảm ở phân khúc du lịch ẩm thực nhưng nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ nói chung vẫn tốt để phục vụ phân khúc bán lẻ.

Nhật Bản

2020 được đánh giá là năm thứ hai kinh tế Nhật Bản tăng trưởng thấp. GDP thực tế Nhật Bản dự kiến sẽ chỉ tăng 0,49% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4. Căng thẳng thương mại với Hàn Quốc, diễn biến chính trị tại Mỹ tiếp tục tác động đến kinh tế Nhật Bản. Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng sớm nhất bởi dịch COVID-19 nên nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường này cũng phần nào chịu tác động. Trong 5 năm trở lại  đây, nhóm hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản tăng đều đặn, như tôm chiếm trên 25% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này tại Nhật và đây cũng là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải Quan, 11 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản đạt 550 triệu USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản và có nhiều lợi thế từ FTA song phương với Nhật Bản đối với mặt hàng tôm; tuy vây, xuất khẩu tôm của Việt Nam tới thị trường này trong những tháng năm 2021 sẽ phải cạnh tranh mạnh với tôm của Ấn Độ đang có mức giá thấp hơn hẳn do chi phí sản xuất tôm ở Ấn Độ thấp hơn.

EU

EU giữ vững vị trí thứ hai (sau Mỹ) trong các thị trường của xuất khẩu tôm Việt Nam trong giai đoạn 2010-2019, mặt hàng tôm Việt Nam sang EU giai đoạn này tăng trưởng bình quân 8,7%/năm. 11 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 472 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến cả năm 2020 đạt hơn 527 triệu USD.

Đặc biệt với việc thực thi hết sức hiệu quả Hiệp định EVFTA , từ tháng 8/2020 đến nay đã có nhiều lô hàng thủy sản được xuất khẩu sang EU trong đó là hơn 160 tấn tôm của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, hay hằng trăm tấn tôm của Công ty Thông Thuận… Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế Biến và Phát triển thị trường nông sản, các doanh nghiệp thủy sản cần tiếp tục cải tiến công nghệ, quản trị để phục vụ tốt nhất cho thị trường EU như áp dụng mã số vùng nuôi, đảm bảo tiêu chuẩn ASC, phát triển các sản phẩm chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình…

Trung Quốc

Sau khi tăng trưởng 2 con số trong tháng 9 và tháng 10, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 11 lại giảm 21%, đạt 42,8 triệu USD; lũy kế 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 390,3 triệu USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2020, Trung Quốc chịu tác động mạnh mẽ từ dịch COVID-19 nên nhu cầu tiêu thụ tôm nội địa của nước này giảm, nguồn cung tôm trong nước tăng, cộng với sự lo ngại virus corona có liên quan đến một số sản phẩm thủy sản nhập khẩu cũng ảnh hưởng lớn đến nhu cầu nhập khẩu tôm.

Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung, sản phẩm tôm nói riêng sang Trung Quốc trong những tháng đầu năm 2021 sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc những tháng đầu năm 2021 có thể bị chậm ở một số thời điểm. Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt rõ các quy định, thủ tục để giảm thiểu rủi ro.

Mục tiêu cho năm 2021

Để đảm bảo nguyên liệu tôm đủ cho chế biến xuất khẩu, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP đề xuất cần có giải pháp căn cơ để ngành tôm phát triển bền vững. Cần tập trung cho các giải pháp như phát triển vùng nuôi, tăng sản lượng, trong đó riêng sản lượng TTCT năm 2021 cần đạt 1 triệu tấn, để giúp giảm giá thành tôm nguyên liệu. Các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, chế biến chuyên sâu, gia tăng giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu của các nước nhập khẩu.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, trong quý I/2021 cần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng tôm ở dạng đông lạnh tới những thị trường lớn có nhu cầu cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Nga. Cần đặc biệt lưu ý các thủ tục  để được hưởng ưu đãi thuế từ các FTA để tăng tính cạnh tranh về giá đối với những sản phẩm tôm của những đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Đối với thị trường Trung Quốc, mặt hàng tôm hùm sống và tôm khô đang có nhu cầu lớn nên các doanh nghiệp cần lưu ý đặc biệt đảm bảo chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc ở hai mặt hàng này.

SSI Research nhận định, các công ty xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ khó có thể tái lập mức tăng trưởng đã đạt được năm 2020 trước sự cạnh tranh từ Ấn Độ. Lưu ý rằng chu kỳ nuôi tôm ngắn chỉ 3 – 4 tháng và ước tính cạnh tranh với Ấn Độ tại thị trường Mỹ và EU sẽ trở nên gay gắt hơn vào nửa cuối năm 2021.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, một trong những kinh nghiệm được rút ra trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 là phải linh hoạt về thị trường và đa dạng hóa sản phẩm. Trước đây, doanh nghiệp đóng gói tôm đông lạnh với trọng lượng khoảng 5-10 kg/ sản phẩm thì nay chỉ đóng từ 1-2 kg/sản phẩm để giúp người tiêu dùng thuận lợi hơn trong chi trả nhất là với bối cảnh nhiều người đang phải tiết kiệm chi tiêu để chống dịch.

Theo Thủy sản Việt Nam


Nhận diện ngành tôm Việt: qua công cụ phân tích SWOT

SWOT là tập hợp viết tắt những chữ cái đầu tiên của các từ tiếng Anh: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức) – là một công cụ nổi tiếng trong phân tích các vấn đề từ nhỏ tới lớn trong các lĩnh vực, nhằm xác định hiện trạng; đề ra chiến lược, hướng đi, giải pháp… đưa vấn để quan tâm đạt những thành quả tốt hơn.
Chiếu theo các nội dung công cụ trên, ngành tôm Việt có những điểm lợi và bất lợi như sau:

1.Điểm mạnh (Strengths)- Diện tích đất ngập mặn hàng triệu hecta, tạo nguồn dồi dào phát triển nuôi tôm.
– Ngành nuôi tôm phát triển khá sớm, hình thành một lực lượng người nuôi biết nghề khá đông đảo.
– Ngành chế biến tôm tuy đi sau nhiều nước nhưng nay đã vươn lên tầm cao thế giới.
– Các cơ sở cấu thành chuỗi giá trị con tôm phát triển khá đồng bộ như thức ăn, con giống, chế phẩm nuôi tôm…
– Người lao động cần mẫn, chăm chỉ phù hợp với việc chế biến đòi hỏi tính tỉ mỉ cao.

2.Điểm yếu (Weaknesses)
– Việc nuôi tôm đa phần nhỏ lẻ, khó kiểm soát làm tăng rủi ro, tăng chi phí kiểm tra.
– Giá thành tôm nuôi và tôm chế biến cao, do đầu vào cao và tỉ lệ ao nuôi đạt chưa cao.
– Hạ tầng cơ sở nuôi thiếu và chưa đồng bộ.
– Diện tích ao nuôi đạt chuẩn cao như ASC, BAP còn quá ít, chỉ hơn 1% diện tích nuôi tôm!
– Đa phần tôm bố mẹ phải nhập khẩu.
– Ngành tôm Việt chưa có thương hiệu xứng tầm.

3. Cơ hội (Opportunities)
– Xu thế người tiêu dùng trên thế giới chuyển sử dụng thực phẩm thủy sản nhiều hơn là thực phẩm từ động vật trên cạn.
– Nhiều hiệp định tự do thương mại đã và chuẩn bị ký kết sẽ mở rộng cửa cho việc tiêu thụ, quan trọng nhất là EVFTA vừa ký kết.
– Công nghệ phát triển, cơ hội quản trị hữu hiệu và tăng năng suất.
– Biến đổi khí hậu có lợi cho nuôi tôm, là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành.
– Chính phủ quan tâm phát triển ngành tôm như qua NĐ57 (17/4/2018) Khuyến khích sản xuất trong nông nghiệp; NĐ98 (5/7/2018) Tham gia tiêu thụ nông sản…

4. Thách thức (Threats)
– Dịch bệnh trong nuôi tôm luôn tiềm ẩn sẵn sàng bùng phát khi gặp thời tiết thất thường kéo dài.
– Là ngành bị ảnh hưởng không nhỏ từ thời tiết.
– Xu thế thiếu hụt lao động.
– Sự cạnh tranh gay gắt tôm giá rẻ từ Ấn Độ, Ecuador.
– Sự đòi hỏi của người tiêu dùng ngày càng nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã sản phẩm, độ thơm ngon của sản phẩm.
– Hàng rào kỹ thuật ở các nước nhập khẩu ngày càng dầy đặc và gắt gao.
– Thương chiến Mỹ – Trung tạo ra hậu quả không lường nổi, có thể là cơ hội lẫn thách thức đan xen. Thuế chống phá giá tôm ở Hoa Kỳ vẫn đang tiếp diễn, còn rủi ro tiềm ẩn.
– FTA đôi khi có bất lợi trong phạm vi hẹp.
Từ những yếu tố nêu trên, cho thấy điểm MẠNH, YẾU là yếu tố mang tính chất BÊN TRONG ngành tôm, có thể kiểm soát, thay đổi. Còn CƠ HỘI, THÁCH THỨC là yếu tố BÊN NGOÀI khó kiểm soát và thay đổi.

Dựa vào SWOT qua những điểm phân tích trên, để thúc đẩy ngành tôm Việt tăng trưởng từ hai con số, sẽ thấy những yêu cầu, giải pháp trước mắt và lâu dài như sau:
+ Yêu cầu trước mắt lẫn dài hạn là phải tạo ra nguồn tôm sạch có chứng nhận với giá cạnh tranh.
+ Yêu cầu dài hạn phải xây dựng cho được thương hiệu tôm Việt.
Từ yêu cầu đó, hệ thống giải pháp có thể nêu ra là:
• Kiểm soát chặt chẽ chế phẩm nuôi tôm, ngăn chặn từ gốc các nguồn thẩm lậu các hóa chất nuôi tôm không có tên trong danh mục cho phép.
• Sắp xếp lại vùng nuôi, tạo nên các trang trại, hợp tác xã nuôi quy mô lớn theo chuẩn nuôi quốc tế có chứng nhận.
• Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi, tập trung điện, đường, thuỷ lợi.
• Quan tâm hơn tín dụng và bảo hiểm trong nuôi tôm.
• Quan tâm nhân rộng những mô hình nuôi mới, thành công.
• Vận động các thành viên tạo nên giá trị chuỗi con tôm biết chia sẻ lợi ích, cùng tồn tại.
• Chú trọng hơn nữa chương trình gia hóa tôm bố mẹ có nhiều tính trội.
• Vận động các doanh nghiệp chế biến tôm từng bước xây dựng thương hiệu cho mình. Trước mắt phải lấy chữ tín làm hàng đầu trong kinh doanh.
• Hoàn thiện hệ thống trường nghề đào tạo công nhân trong lĩnh vực nuôi và chế biến tôm.

Tóm lại, qua SWOT để tìm thấy vị thế tôm Việt một cách bao quát lẫn cụ thể hơn. Qua đó thấy được việc cần làm gấp, việc cần làm lâu dài…; thấy được sự đồng bộ của các giải pháp để tránh lãng phí… Tất cả để tôm Việt vươn cao, bơi xa hơn.

Tác giả: TS Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN
Nguồn: http://vasep.com.vn/