My default image

Category Archives: Kỹ thuật nuôi

CHƯƠNG TRÌNH “NĂNG SUẤT CAO – CHI PHÍ GIẢM”

Chúc mừng farm Huỳnh Phương, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đã về đích chương trình “NĂNG SUẤT CAO – CHI PHÍ GIẢM” của Công ty TNHH MINH TÂN. Farm áp dụng tất cả sản phẩm của công ty Minh Tân trong suốt quy trình nuôi, tôm đạt size 30 con sau 90 ngày nuôi.


QUẢN LÝ KHÍ ĐỘC H2S TRONG AO NUÔI TÔM

H2S (Hydro sulfide) là khí độc nguy hiểm nhất trong ao, có thể gây chết tôm ở bất cứ thời điểm nào. Do vậy, việc khống chế loại khí độc này phải được thực hiện tốt trong cả vụ nuôi.

Bản chất khí H2S

Khí H2S được hình thành từ quá trình phân hủy mùn bả hữu cơ của vi khuẩn trong điều kiện yếm khí (không có oxy). H2S sẽ kết hợp với Hemoglobin ngăn cản việc vận chuyển oxy trong máu, khiến tôm không có đủ lượng oxy cần thiết. Nồng độ H2S ở lớp bùn đáy cao hơn nhiều so với môi trường nước ao. Trong vụ nuôi, chất thải được lắng đọng xuống nền đáy, quá trình phân hủy xảy ra 2 trường hợp: Trường hợp phân giải kỵ khí (không có oxy) nên vi khuẩn lưu huỳnh tạo ra H2S nằm ở phía dưới lớp nền đáy và thường có màu đen. Trường hợp phân giải hiếu khí (có oxy) các phản ứng oxy hóa xảy ra ở bề mặt lớp bùn đáy nên lớp bùn này có màu sáng. Lớp bùn sáng này tuy mỏng nhưng có tác dụng như lớp màng ngăn, hạn chế khí độc thoát ra ngoài môi trường nước.

Tác hại của H2S

H2S gây thiếu hụt oxy trầm trọng, tác động rất xấu đến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm nuôi. Nồng độ H2S trong nước ao từ 0,01 đến 0,02 ppm thì tôm nuôi sẽ bị nhiễm độc và chết hàng loạt.

Đối với tôm sú thường sống tập trung ở đáy ao, đây là nguyên nhân khiến tôm bị stress (sốc) và yếu, dễ bị cảm nhiễm vi khuẩn Vibrio, hoặc nghiêm trọng hơn là tôm sẽ bị chết do H2S (hội chứng tháng nuôi đầu). Đối với tôm thẻ chân trắng thì ít nghiêm trọng hơn, bởi hầu hết hoạt động của tôm diễn ra trong các tầng nước, nhưng tôm cũng có thể yếu và mẫn cảm với bệnh. Nếu tôm đang lột xác hoặc đang tìm thức ăn dưới đáy sẽ dể bị ảnh hưởng bởi H2S. Khi bị nhiễm độc, tôm có hiện tượng bơi lờ đờ trên mặt nước hoặc chết trong giai đoạn nuôi 25-45 ngày.

Tôm nuôi 2 tháng trở lên, chất thải trong ao đã sinh ra một lượng lớn H2S. Nếu thiếu oxy đột ngột do tảo tàn, do thay đổi thời tiết (mưa, mây mù) hoặc cho ăn dư thừa thì vi khuẩn kỵ khí sẽ tăng cường hoạt động tạo ra nhiều H2S. Ở thời điểm này trở đi, tôm dể bị stress hơn, bởi H2S và các khí độc khác cùng hàm lượng oxy thấp và không gian sống bị thu hẹp. Đặc biệt những con tôm yếu và những con tôm trong giai đoạn lột xác có xu hướng trốn vào khu vực chất thải nên khả năng tiếp xúc với H2S cao, khiến tôm yếu hơn.

Khi hàm lượng H2S nhiều, ao sẽ xuất hiện những bọt bong bóng lâu tan nổi trên mặt nước. Nền đáy chuyển sang màu rất đen và có mùi thối. Thỉnh thoảng tôm giảm ăn mạnh vào buổi sáng, tôm chết rải rác, kiểm tra tôm vỏ có màu sẫm, mang hồng hoặc đen.

Những ao đầm có diện tích rộng, khi mưa sẽ tạo phân tầng nước (trên ngọt dưới mặn) ngăn cản sự luân chuyển oxy từ trên xuống dưới làm cho nền đáy thiếu oxy khiến cho quá trình phân hủy kỵ khí diễn ra tạo nhiều H2S. Đồng thời gió lớn sinh ra các đợt sóng mạnh trên mặt nước, cũng như tạo ra luồng nước ở đáy ao làm nền đáy ao bị khuấy động gây bong tróc lớp bùn mỏng trên mặt đáy, khí độc H2S thoát ra gây nhiễm độc nước khắp khu vực đáy ao làm tôm có thể chết sau mưa.

Nền đáy ao nuôi sẽ bị xáo trộn do những hoạt động của người nuôi như lội xuống ao, thu tỉa tôm, sửa quạt nước… làm gia tăng cục bộ sự thoát của khí H2S tích tụ dưới nền đáy vào nước ao. Trong vụ nuôi, khi tảo phát triển mạnh đến thời điểm nào đó tảo sẽ tàn, quá trình phân hủy xác tảo sẽ tiêu tốn nhiều oxy và gia tăng lượng H2S, gây stress cho tôm, khiến tôm nhiễm độc nặng hơn.

Biện pháp giảm thiểu

Khi tôm còn nhỏ, tất cả các máy quạt nước cần được duy trì hoạt động đảm bảo oxy hòa tan trên 5 ppm. Váng tảo nổi trên mặt ao phải được vớt hết. Khi trời mưa vẫn phải duy trì hoạt động của máy quạt nước và giảm thức ăn khoảng 50% hoặc đợi sau khi hết mưa (khoảng 30 phút) mới cho ăn. Kịp thời rải vôi (CaO hoặc Ca(OH)2 khu vực quy tụ chất thải. Thường xuyên kiểm tra pH nước ao. Nếu pH thấp cần bón vôi ở khu vực chất thải, mỗi lần một ít, điều chỉnh pH trên 7,5. Luôn đảm bảo lượng oxy hòa tan tại vùng rìa chất thải trên 4 ppm.

Khi trời trở lạnh (25-26°C) nên giảm 20-30% thức ăn, duy trì quạt nước hằng ngày. Đặt nhá (vó) kiểm tra tôm yếu tại khu vực chất thải. Nếu phát hiện tôm yếu thì trộn vitamin, khoáng vào thức ăn cho tôm để giúp tôm khỏe lại.

Khi tảo tàn cần duy trì pH thông qua việc bón vôi Ca(OH)2. Giảm 30-50% lượng thức ăn liên tiếp trong 2-3 ngày. Duy trì hoạt động quạt khí trong cả ngày để cung cấp oxy do phân hủy xác tảo sẽ tiêu hao oxy nhiều. Bón chế phẩm sinh học để phân hủy xác tảo, kiểm soát tốt pH nước (bón vôi).

Duy trì quạt nước cung cấp oxy tại mọi thời điểm, đặc biệt khi thiếu ánh sáng mặt trời, tảo tàn, trời mưa to, hoặc tôm đang lột xác, nếu có nguồn nước sạch thì có thể thay. Kiểm tra hàm lượng oxy trong ao thường xuyên hơn. Nếu nước ao đổi màu, pH nên được điều chỉnh ở mức 7,8 – 8,3. Khí độc H2S sẽ trở nên nguy hiểm nếu pH bằng 5.

Khi trời mưa thì tôm sẽ di chuyển xuống dưới tầng đáy để tránh tiếng động mạnh và tránh lạnh, do vậy nguy cơ tiếp xúc và nhiễm độc H2S của tôm sẽ rất cao. Trời mưa, nước mưa có tính axit cao làm pH nước ao sẽ hạ thấp khiến H2S trở nên độc hơn.

Theo Thủy sản Việt Nam.


NGHIÊN CỨU SỬ DỤNG THỂ THỰC KHUẨN TRONG NUÔI TÔM

Thể thực khuẩn có thể chứng minh là phương pháp hiệu quả thay thế việc sử dụng kháng sinh để giải quyết tình trạng nhiễm khuẩn Vibrio ở tôm nuôi, dựa theo những nghiên cứu mới nhất.

Tình hình chung

Có một số lưu ý rằng, một trong những yếu tố chính giới hạn sự phát triển của tôm đó là sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh bao gồm vi khuẩn Vibrio, đó là hệ quả đi kèm bởi việc sử dụng kháng sinh quá liều trong điều trị và kết quả của sự kháng thuốc. Những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng khoảng 70% vi khuẩn Vibrio phân lặp từ nuôi trồng thủy sản là đa kháng thuốc.

Một vấn đề cần được quan tâm trong việc sử dụng kháng sinh là sự tồn dư của chúng, kết quả là những sản phẩm tôm tồn dư dư lượng kháng sinh đã không được chấp nhận bởi các nước nhập khẩu. Do đó cần phát triển các biện pháp thay thế để kiểm soát bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Dùng thực khuẩn thể trong nuôi tôm

Thể thực khuẩn bám vào vi khuẩn và tiêu diệt chúng bằng sự sao chép và thực bào vi khuẩn. Sử dụng thể thực khuẩn để kiểm soát nhiễm khuẩn trong hệ thống sản xuất sản phẩm thủy sản có tiềm năng lớn để giải quyết hai vấn đề bao gồm việc nhiễm khuẩn và tránh tồn dư dư lượng kháng sinh. Áp dụng thực khuẩn trong nuôi trồng thủy sản mang lại những lợi ích to lớn so với sử dụng thuốc kháng sinh.

Sử dụng thực khuẩn như là một biện pháp sinh học để kiểm soát bệnh trong nuôi tôm đã được phát triển trong những năm qua. Thực khuẩn là kẻ săn mồi tự nhiên của vi khuẩn, nó có thể tự giới hạn và tự sao chép tế bào chủ, và có thể thích ứng với vi khuẩn đã kháng thuốc. Thông thường, thực khuẩn được tìm thấy với số lượng lớn ở bất kỳ nơi nào vật chủ sinh sống, trong chất thải, đất, trại giống hoặc trong nguồn nước.

Thử nghiệm để đánh giá những lợi thế tiềm năng của việc sử dụng thể thực khuẩn để chống lại vi khuẩn Vibrio trong nuôi tôm được thực hiện  tại SK Aquafarms ở Andhra Pradesh, Ấn Độ.

Khu vực thí nghiệm

Trải dài trên tổng diện tích 45 mẫu Anh ( tường đương182.108 m2), trang trại có 4 khu vực A, B,C, D có lần lược 7, 7, 5, và 4 ao tương ứng. Khu vực A và B được thả nuôi tôm thẻ chân trắng với mật độ gần 15 con/m2. Máy quạt nước có công suất 4 HP, độ mặn nằm trong khoảng 12-18 ppt trong suốt vụ nuôi. Nước được xử lý trước khi sử dụng.

Khu vực thí nghiệm ở SK Aquafarms tại Aridhra Pradesh, Ấn Độ (Ảnh chụp từ Google map)

Cải tạo ao và thả tôm

Tôm thẻ chân trắng (Post 10) dùng trong thí nghiệm có nguồn gốc từ trại giống ở khu vực ven biển Marakkanam. Tôm giống được thả vào ao sau khi đã được thuần dưỡng. Tôm được thả vào 14 ao với số thứ tự từ A1-A7 và B1-B7. Mật độ thả nuôi khoảng 15 con/m2 ở tất cả các ao, trừ ao B7 được thả với mật độ 24 con/m2. Tôm được cho ăn 4 cử/ngày vào lúc 6:30, 10:30, 14:30 và 19:30. Thời gian nuôi trung bình là 174 ngày.

Nhiệt độ, oxy hòa tan và pH được đo hằng ngày, trong khi đó các chỉ tiêu như NO3, NO2, NH3 được đo hằng tuần hoặc hai lần 1 tháng. Độ sâu của ao từ 1,2-1,5 m. Nước được thay 2-3 lần trong suốt giai đoạn nuôi.

4 ao được cho ăn thức ăn có trộn với thực khuẩn thể với liều 5 g/kg thức ăn, cho ăn 1 cử/ngày từ ngày nuôi thứ 42 để đánh giá hiệu quả. Hỗn hợp thực khuẩn thể được trộn với thức ăn sử dụng chất kết dính và phơi khô nơi có bóng mát.

10 ao còn lại được sử dụng làm ao đối chứng, được cho ăn bằng hỗn hợp men vi sinh kết hợp với enzyme với hàm lượng 10 g/kg thức ăn, cho ăn 1 cử/ngày.

Hằng tuần, tôm ở mỗi ao được thu mẫu để đánh giá tăng trưởng và sinh khối. Trọng lượng tôm trung bình của mẫu tôm thu ở mỗi ao được dùng để điều chỉnh hàm lượng thức ăn cho tôm. Kết thúc thí nghiệm, tất cả các ao được thu hoạch, tổng sinh khối của tôm được tính và tỷ lệ sống được xác định. Những chỉ tiêu khác như tăng trưởng hằng ngày, sản lượng/ha, năng suất trên 100.000 con giống và FCR được tính ở cuối vụ nuôi.

Bảng: Phân tích tính kinh tế giữa sử dụng thực khuẩn thể và men vi sinh.

Chỉ số hiệu quả kinh tế Sử dụng thực khuẩn Đối chứng
Tổng doanh thu (rupee)/mẫu Anh 624.560 491.238
Tổng chi phí (rupee)/mẫu Anh 461.995 462.605
Tỷ số lợi nhuận-chi phí 1,35 1,06

Kết quả gợi ý rằng sử dụng thực khuẩn cho kết quả tăng trưởng, tỷ lệ sống, FCR và nâng suất tốt hơn. Tỷ số lợi nhuận-chi phí cũng cao hơn ở những ao sử dụng thực khuẩn thể.

Cũng ở nghiên cứu này, những ao không sử dụng thực khuẩn thể có sự phát triển của bệnh phân trắng, trong khi đó, những ao có sử dụng thực khuẩn không ghi nhận bệnh phân trắng xuất hiện. Một trong những nguyên nhân gây ra bệnh phân trắng là do tôm bị nhiễm EHP và do sốc với các yếu tố môi trường (theo Luis Fernando Aranguren Caro, 2020). Tác giả nghiên cứu cũng cho rằng việc kiểm soát hiệu quả vi khuẩn Vibrio gây bệnh ở những ao có sử dụng thực khuẩn thể cũng là lý do bệnh phân trắng không xuất hiện.

Kết Luận

Tác giả kết luận rằng “Kết quả của nghiên cứu chứng minh tiềm năng của thực khuẩn thể trong việc làm giảm sự tác động của vi khuẩn Vibrio và có tác động tích cực lên tỷ lệ sống của tôm nuôi. Nghiên cứu cũng gợi ý rằng sử dụng thực khuẩn có tính kinh tế hơn so với sử dụng sản phẩm vi sinh. Do đó, liệu pháp dùng thực khuẩn có thể là một phương pháp thay thế thiết thực để kiểm soát vi khuẩn gây bệnh trong nuôi trồng thủy sản vì nó mang lại những lợi ích hơn hẳn sử dụng kháng sinh và có tác dụng trên cả những vi khuẩn đa kháng thuốc”.

Theo The Fish Site

Lược dịch: Thanh Tuấn


QUY TRÌNH CẢI TẠO AO NUÔI TÔM

1. Rửa đáy ao

Sau mỗi vụ nuôi cần rửa đáy ao, bơm bùn sang ao chứa bùn để phơi khô và đổ bỏ. Không nên bơm hay đổ bùn lên bờ ao ví nước mưa có thể đem các chất thải trở lại ao nuôi. Thực hiện việc rửa, xả vài lần cho đến khi sạch hẳn thì tiến hành phơi đáy ao. Cày và phơi đáy tối thiểu 10 ngày liên tục cho đến khi đất nứt chân chim.

Biện pháp này giúp tiêu diệt mầm bệnh, giải phóng khí độc tích tụ trong nền đáy, phân hủy hoàn toàn các chất thải, thuận lợi cho việc gây màu nước, phát triển nguồn thức ăn tự nhiên trong ao.

2. Ngâm xả

Áp dụng cho ao bị nhiễm phèn hoặc có tôm bị bệnh trong vụ nuôi. Với ao có nền đáy bị nhiễm phèn, rải vôi nóng (CaO) đều trên nền đáy, lấy 40-50 cm nước, ngâm 2-3 ngày sau đó xả bỏ.

3. Bón vôi

Tùy thuộc vào pH của nền đất mà bón từ 1-3 tấn vôi/ha để tăng hệ đệm, giúp ổn định độ pH trong quá trình nuôi. Nên sử dụng vôi đá/vôi nông nghiệp (CaCO3). Để đảm bảo tác dụng nên rải đều vôi khắp bề mặt đáy ao.

Độ pH của đất Lượng vôi nông nghiệp (CaCO3) (kg/ha) Lượng vôi tôi Ca(OH)2 (kg/ha)
>6 <1.000 <500
5-6 <2.000 <1.000
<5 <3.000 <1.500

Vệ sinh và lắp đặt các dàn quạt nước, kiểm tra hoạt động của dàn quạt. Số lượng quạt nước được lắp đặt phụ thuộc vào diện tích ao nuôi.

4. Quy trình cấp nước và các bước xử lý ban đầu trong ao tôm

a) Lắng

Nước cần được lọc qua lưới để hạn chế rác và ngăn chặn tôm cá tự nhiên xâm nhập. Để lắng từ 10-20 ngày, nhờ đó các chất hữu cơ có đủ thời gian phân hủy thành muối dinh dưỡng cho tảo phát triển, đồng thời giảm bớt mật độ của các vi khuẩn gây bệnh. Nếu cần, có thể chạy quạt nước để cung cấp thêm oxy hòa tan thúc đẩy quá trình phân hủy hữu cơ. Thời gian lắng càng lâu càng hiệu quả, đặc biệt trong điều kiện vùng nuôi bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy cấp tinh (AHPND)/ hội chứng tôm chết sớm (EMS). Nếu không có ao lắng có thể dùng ao nuôi làm ao lắng.

b) Chuyển nước từ ao lắng sang ao nuôi

Bơm nước qua túi lọc để loại bỏ địch hại, sinh vật cạnh tranh hoặc vật chủ trung gian mang mầm bệnh như cua, còng, tôm, tép… Cần xác định độ mặn để báo cáo cho trại tôm giống thuần tôm post nếu cần thiết. Mực nước ao lý tưởng là 1,3-1,4 m, tạo không gian đủ lớn để tôm hoạt động và giúp ổn định môi trường nuôi.

c) Diệt tạp

Chạy quạt nước liên tục 3 ngày để trứng cá và giáp xác nở hết rồi tiến hành diệt tạp bằng bột bã trà (saponin), rễ cây thuốc cá (rotenone) hoặc các hóa chất chuyên dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thời điểm saponin cho hiệu quả cao nhất là lúc 4-6 giờ sáng. Nên tăng liều sử dụng khi độ mặn của nước ao thấp hơn 10 phần ngàn (10 ppt) hay trong ao có quá nhiều cá.

Lưu ý: Phải ngâm saponin trong nước khoảng 12 giờ mới sử dụng và sau 3 ngày từ khi diệt tạp mới được thả tôm post. Nếu sản phẩm thuốc diệt tạp chỉ chứa saponin tự nhiên, không pha thêm hóa chất độc hại thì cá sẽ chết sau 3-4 giờ. Để xử lý ốc đinh hoặc rong đáy, có thể dùng đồng sunphat (CuSO4) với nồng độ xử lý là 2-3 ppm.

d) Diệt khuẩn

Hai ngày sau khi diệt tạp thì tiến hành diệt khuẩn để loại trừ mầm bệnh có trong nước ao. Chlorine, TCCA, BKC, thuốc tím (KMnO4), formol, Iodine hay PVP-Iodine hiện là những chất diệt khuẩn được dùng phổ biến nhất.

Chlorine được dùng phổ biến nhất với liều xử lý là 25-30 ppm nếu pH của nước dưới 7,5. Liều xử lý có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào lượng chất hữu cơ có trong nguồn nước và độ pH của nước. Độ pH càng cao, hàm lượng chất hữu cơ càng nhiều thì cần phải tăng liều xử lý của Chlorine.

Lưu ý: Tác dụng của thuốc tím không bền và formol có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng. Các vùng nuôi bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính/ tôm chết sớm (AHPND/EMS) nên dùng BKC với liều 0,3 ppm.

Nguồn: Tổng hợp


LƯU Ý KHI NUÔI TÔM VỤ ĐÔNG

Nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông rất khó, tuy nhiên nếu lựa chọn thời điểm hợp lý trong điều kiện hệ thống nuôi khác nhau, lợi nhuận mang lại khá cao.

Cải tạo ao, chuẩn bị ao

Đối với ao đất: Sau khi kết thúc vụ nuôi thứ nhất, phơi khô đáy 2 – 3 tuần (tùy vào điều kiện thời tiết ) vệ sinh nạo vét lớp bùn đáy, đánh vôi diệt khuẩn, diệt tạp. Nếu ao nuôi vụ đầu bị nhiễm bệnh cần xử lý cẩn thận hơn bằng chlorine.

Đối với ao bạt: Vệ sinh sạch sẽ, xử lý diệt khuẩn xung quanh thành bạt và đáy bạt bằng chlorine.

Trong nuôi tôm vụ đông, để giúp ổn định các yếu tố môi trường, đặc biệt là nhiệt độ, vì vậy khuyến khích người nuôi nên xây dựng nhà bạt, nhiệt độ trong nhà thường cao hơn bên ngoài khoảng 5-15°C.

Cấp nước và xử lý nước: Tương tự như quy trình nuôi tôm chính vụ, tuy nhiên độ sâu mực nước phải đảm bảo 1,5-1,8 m.

Chọn giống và thả giống

Chọn giống: Chọn tôm giống cỡ post 12-15 khỏe mạnh, xuất xứ rõ ràng và đạt những chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Mật độ nuôi: Không nên thả nuôi với mật độ quá 80-120 con/m2.

Có thể ương trước trong bể ương trong nhà để rút ngắn thời gian nuôi bên ngoài. Mật độ ương 2.000-2.500 con/m2. Sau thời gian ương 25-30 ngày khi tôm đạt cỡ 1g/con thì tiến hành chuyển sang ao nuôi thương phẩm.

Thả giống: Theo dõi diễn biến thời tiết để lựa chọn thời điểm thả thích hợp. Nên thả giống trước khi không có không khí lạnh khoảng 4-6 tuần (lúc này thời tiết nắng ấm, tôm phát triển nhanh). Thả giống tránh vào thời điểm gió mùa, mưa kéo dài, cần cân bằng nhiệt độ trong túi chứa giống và môi trường nuôi trước khi thả.

Chăm sóc và quản lý

Chăm sóc

Thời điểm thả giống đến khi thời tiết có biến động, thực hiện cho ăn bình thường theo quy trình, khoảng 4-5 lần/ngày. Khi nhiệt độ xuống thấp, cần giảm thức ăn cả về số lượng lẫn số lần cho ăn, mỗi ngày cho ăn 2-3 lần. Kiểm tra mức độ lột xác của tôm trong ao nuôi để điều chỉnh lượng thức ăn. Kiểm tra sàng ăn để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp với sự thay đổi của nhiệt độ và thời tiết cũng như tình trạng sức khỏe tôm. Kiểm tra hạn sử dụng trên bao bì trước khi sử dụng. Định kỳ 7-10 ngày bón Dolomite với liều 100-150 kg/1.000 m3 nhằm ổn định pH, độ kiềm trong ao nuôi (đối với ao đất). Định kỳ 3-5 ngày ổn định độ kiềm trong ao nuôi bằng bicar (NaHCO3). Bổ sung Vitamin C, các khoáng chất cần thiết… vào thức ăn hằng ngày giúp tăng cường sức đề kháng, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Quản lý

Cần đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan ở mức trên 4 mg/l. Trong thời gian đầu tôm nhỏ (1-3 tuần) sử dụng chủ yếu sục khí. Sử dụng quạt nước từ tuần thứ 4 trở đi. Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường hằng ngày vào lúc 8h sáng và 2h chiều. Nếu chỉ số các yếu tố môi trường nằm ngoài ngưỡng thích hợp phải có biện pháp xử lý ngay.

Phòng trị bệnh

Chế độ thay nước định kỳ, nước trước khi cấp vào ao nuôi phải được xử lý diệt khuẩn và các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp.

Lưu ý: Trong nuôi tôm vụ đông, hằng ngày cần phải bổ sung Vitamin C, khoáng chất vào thức ăn cho tôm. Bổ sung khoáng vào môi trường ao nuôi. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nuôi. Vào vụ đông nhiệt độ giảm, do đó nên cho vi sinh xuống ao vào trưa nắng khi nhiệt độ lên cao.

Nguồn: contom.com


QUẢN LÝ AO TÔM TRONG ĐIỀU KIỆN GIAO MÙA

Trong những tháng đầu năm 2020, người nuôi tôm cả nước nói chung và ở Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng đã gặp không ít khó khăn. Một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm cho giá tôm trong nước và xuất khẩu giảm, làm cho lợi nhuận của người nuôi giảm. Bên cạnh đó tình trạng hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long lên đỉnh điểm và kéo dài đã gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi tôm. Do đó tiến độ thả nuôi còn chậm và mang tính thăm dò. Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến nay đã có trên 15.950 ha nuôi tôm bị thiệt hại. Trong đó trên 990 ha thiệt hại do dịch bệnh, 469 ha do môi trường và trên 14.490 ha chưa rõ nguyên nhân. So với cùng kỳ năm 2019, tổng diện tích thiện hại tăng gấp 3.3 lần, nhiều diện tích thiệt hại chưa xác định được nguyên nhân.

Theo Trung tâm Khuyến Nông Khuyến Ngư Cà Mau, nắng nóng kéo dài làm cho nhiệt độ và độ mặn tăng cao, tôm nuôi dễ bị sốc do sự thay đổi đột ngột của môi trường, sức khỏe yếu và rất dễ bùng phát dịch bệnh – đặc biệt  tôm dễ phát sinh bệnh hoại tử gan tụy. Bên cạnh đó, nắng nóng kéo dài còn làm cho tảo trong ao nuôi phát triển mạnh, mật độ dày làm cho tôm dễ bị nổi đầu do thiếu oxy, nếu nặng sẽ dẫn đến chết hàng loạt. Khi gặp những cơn mưa đầu mùa, những yếu tố môi trường sẽ càng thay đổi đột ngột hơn. Nước mưa sẽ cuốn trôi phèn từ bờ ao xuống ao nuôi tôm làm pH giảm thấp, nhiệt độ phân tầng, dẫn dến tôm bị yếu, mất khả năng đề kháng và chết đột ngột. Nếu như người nuôi không quản lý tốt các chỉ số môi trường nước và thức ăn,  tôm sẽ dễ bị nhiễm bệnh.

Người nuôi tôm ở Trà Vinh cũng gặp không ít khó khăn vì tình hình dịch bệnh do nắng nóng kéo dài và độ mặn cao, đã làm cho nhiều diện tích nuôi tôm trong tỉnh bị thiệt hại nặng. Tuy nhiên, bà con vẫn đang loay hoay trong việc tìm hướng khắc phục. Hiểu được những khó khăn mà người nuôi tôm đang gặp phải, bộ phận Kinh doanh MITAVET đã thực hiện các hoạt động thăm hỏi và trao đổi, chia sẽ kỹ thuật trong nuôi tôm, kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc của người nuôi trong giai đoạn khó khăn này.

Cũng tại buổi gặp mặt này, Giám đốc Bộ Phận Kinh Doanh, ông Đặng Hoàng Hải đã kịp thời và tận tình giải đáp những thắc mắc của bà con trong quá trình nuôi tôm, đặc biệt trong tình hình hạn mặn đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay. Đồng thời, đại diện công ty cũng chia sẻ quy trình quản lý và nuôi tôm hiệu quả, an toàn, hạn chế dịch bệnh và đưa ra phác đồ phòng trị bệnh một cách hiệu quả, giúp giảm thiểu tối đa những rủi ro mà người nuôi gặp phải.

Người nuôi lắng nghe những chia sẻ của công ty về quy trình kỹ thuật nuôi tôm hiệu quả

Bộ sản phẩm về quy trình quản lý sức khỏe tôm và quy trình quản lý môi trường ao nuôi.

Chuỗi hoạt động này đã và đang phát huy tính hiệu quả tại nhiều khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Bà con trong quá trình nuôi, cần tư vấn hoặc giải đáp những vấn đề liên quan “con tôm, con cá” có thể liên hệ trực tiếp tại website hoặc Facebook công ty:

www.mitavet.com.vn

www.facebook.com/mitavetvn

Thực hiện: BP. Marketing MITAVET