My default image

Suy Giảm Đồng Bằng Và Tiếng Nói Địa Phương

Suy Giảm Đồng Bằng Và Tiếng Nói Địa Phương

Category : Sản phẩm

Suy giảm tài nguyên

Thách thức lớn nhất với ĐBSCL là tình trạng “suy giảm tài nguyên đất và nước”, đơn cử qua số liệu ở TP Cần Thơ, trung tâm của vùng. Câu hát thuở chưa xa “Cần Thơ gạo trắng nước trong – Ai đi đến đó lòng không muốn về”, cho thấy nơi này nước ngọt quanh năm, khí hậu ôn hòa. Thế nhưng, gần đây đã xảy ra nhiều biến động lớn khiến “cuộc sống của người dân và các ngành nghề sản xuất tại TP Cần Thơ bị ảnh hưởng nặng nề”, tham luận của TP Cần Thơ cho biết.

Đó là, sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng. Ở TP Cần Thơ giai đoạn 2010 – 2016 có 125 điểm sạt lở, dài 4.463 mét; làm hư hại hoàn toàn 63 căn nhà. Trong 9 tháng đầu năm 2017, đã xảy ra 28 điểm sạt lở, dài 1.583 m.

Lượng mưa trung bình giảm khoảng 200 mm, làm cho lượng mưa hằng năm, từ 2010 đến nay chỉ còn 1.200 – 1.500 mm. Đi kèm là hạn hán và xâm nhập mặn tăng cao, gây trở ngại cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản, cung cấp nước sạch và ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, dịch vụ.

Trước đây, Cần Thơ hầu như không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn do cách biển hơn 65 km; nhưng những năm gần đây, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt của Thành phố. Tháng 5/2010, độ mặn 1‰ chỉ còn cách trung tâm Thành phố 12 km. Đặc biệt, đầu năm 2016, nồng độ muối trong nước sông Hậu tại cảng Cái Cui cách Biển Đông khoảng 70 km, là 2,057‰. “Đây là hiện tượng bất thường”, tham luận nhấn mạnh.

Về ngập lũ, Cần Thơ xuất hiện một đợt lũ lớn vào năm 2011, mực nước đứng thứ hai trong lịch sử, cao 215 cm, trên mức báo động III là 25 cm. Năm 2013, mặc dù mực nước ở trạm Tân Châu trên thượng nguồn chưa đến mức báo động II thì mực nước tại trạm Cần Thơ lại trên mức báo động III, cao 215 cm. Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào cho vấn đề này, nhưng có thể thấy chế độ thủy văn đã có sự biến đổi lớn.

Địa phương kiến nghị

Kiến nghị của TP Cần Thơ cũng là tiếng nói chung của cả vùng ĐBSCL: “Tăng cường khai thác bền vững ngành nuôi trồng thủy sản ven biển, phục hồi vùng rừng ngập mặn ven biển và tăng cường trồng và khai thác các giống cây, thủy sản chịu mặn có giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Giải pháp trọng tâm nhấn mạnh đến yếu tố trách nhiệm nội tại: “Cần giảm ngay khai thác nguồn nước ngầm, chống sụt lún đất. Kiểm soát dòng chảy nước ngọt và nước mặn tại các cửa sông nhằm ngăn chặn hiện tượng xâm nhập mặn sâu vào đất liền”.

Lãnh đạo tỉnh An Giang phân tích thêm về thực trạng các đập thủy điện và công trình ngăn dòng chảy chính ở thượng nguồn gây ra hiện tượng “nước đói phù sa”, đất đai không được bồi đắp và bổ sung dinh dưỡng gây bạc màu. Trong đó “nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị suy giảm, an ninh nguồn nước của vùng bị đe dọa”. Ở các tỉnh vùng trên của ĐBSCL, sự thiếu hụt phù sa, bùn cát sẽ làm cho tình hình sạt lở diễn biến nhanh hơn, trầm trọng và phức tạp hơn, nguồn nước sẽ tiếp tục bị suy giảm cả về chất lẫn lưu lượng, dòng chảy sẽ thay đổi không theo quy luật làm tình hình khô hạn vào mùa khô trầm trọng hơn, tồi tệ hơn.

Trong kiến nghị về kinh tế, lãnh đạo tỉnh An Giang đề nghị cần nhanh chóng tái cơ cấu lại các ngành trong vùng. Trong đó, “xác định lại vai trò từng tỉnh trong phát triển kinh tế xã hội và xem xét thấu đáo bài toán về an ninh lương thực, không nhất thiết giao chỉ tiêu bảo vệ đất lúa như hiện nay”. Về đầu tư: “Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho những vấn đề cấp bách như: xử lý sự cố môi trường, sạt lở bờ sông, bảo vệ các công trình trọng yếu của vùng; đầu tư các công trình trữ nước kết hợp kiểm soát lũ tại các tỉnh thuộc vùng trên”.

Còn lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đề cập vấn đề gắn kết giữa các địa phương trong vùng để tăng khả năng thích ứng. Đó là “gắn kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười, liên kết vùng ĐBSCL, hợp tác quốc tế… để có sự đồng bộ trong vấn đề quy hoạch các ô bao, hồ trữ ngọt: tích nước mùa mưa, phục vụ sản xuất mùa khô, chủ động đẩy mặn cho các tỉnh hạ lưu Mê Kông”. Đây là tỉnh nông nghiệp trọng điểm, có diện tích nuôi cá tra và tôm càng xanh lớn nhất vùng, đang đi đầu trong nâng cao chất lượng sản phẩm, Đồng Tháp đề nghị đầu tư theo hướng công nghệ cao. “Hỗ trợ đầu tư hình thành Khu nông nghiệp công nghệ cao cho vùng Đồng Tháp Mười, trong đó giai đoạn đầu tập trung nghiên cứu, sản xuất giống các loại nông sản, thủy sản đặc trưng của vùng và tiến tới sản xuất sản phẩm thương mại”, tham luận của Đồng Tháp.

 

>> Theo thống kê, năm 2017, Việt Nam thiệt hại kinh tế do thiên tai 59.300 tỷ đồng, trong đó thiệt hại từ nuôi trồng thủy, hải sản khá cao. Từ đó, việc phát triển nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL cần rà soát, sớm phê duyệt và tổ chức thực hiện nghiêm quy hoạch nuôi cho phù hợp, gắn với đảm bảo an toàn thiên tai, bảo vệ môi trường, không làm phát sinh dịch bệnh, đảm bảo an ninh, trật tự và chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng tránh bão, áp thấp nhiệt đới; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, nuôi trồng…

Leave a Reply